Năm 2012: Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam ?

 

Kinh tế VN đang trong tình huống cấp bách, mà tình huống cấp bách thì phải có liệu pháp đặc biệt, không thể trông chờ vào các giải pháp mang tính chữa cháy.

Phiên thảo luận: “Vốn cho DN 2012 - Kênh nào ?”
tại hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu và DN tham dự

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia và DN tại Hội thảo: “Thế giới và VN: Dự báo 2012”  Vietnam CEO Corp. phối hợp báo DĐDN, tạp chí Doanh nhân tổ chức mới đây tại Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng, VN cần một kịch bản hành động mạnh, rõ ràng, theo đúng tinh thần tái cơ cấu là nhiệm vụ chính của năm 2012.

Khó khăn... “khứ hồi”

Theo TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đến thời điểm này các dự báo đều thống nhất nhận định về một triển vọng u ám, thậm chí tồi tệ hơn rất nhiều, của kinh tế thế giới năm 2012 so với năm 2011. Thậm chí, bi quan hơn, nhiều ý kiến còn đề cập đến tình huống năm 2012 là “đêm trước của khủng hoảng”. Ông Thiên cũng lưu ý, từ các năm trước, trong những hoàn cảnh quốc tế như nhau thì các chỉ số kinh tế cơ bản của VN (tăng trưởng, lạm phát, giá trị đồng tiền, nợ...) đã kém rõ rệt so với nhiều nền kinh tế khác. Khả năng này chắc cũng sẽ xảy ra cho năm 2012, thậm chí ở cấp độ gay gắt hơn.

Đồng tình với quan điểm này, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nêu bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2012 là: Khủng hoảng nợ công và bất ổn chính trị còn tiếp diễn ở EU và Mỹ cộng với sự lo ngại nợ công của Nhật dãn đến việc thắt lưng buộc bụng chính sách; suy thoái có khả năng xảy ra ở khu vực có đồng Euro; TTCK sẽ có 1 năm khó khăn, đồng USD và Euro sẽ mất giá đáng kể do kinh tế yếu kém. Đối với nền kinh tế VN, ông Lực nhận định, năm 2011 xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng dự kiến sang năm sẽ giảm mạnh; lạm phát CPI là “vô địch” so với các nước trong khu vực; thâm hút ngân sách cao. Bên cạnh đó, TTCK và bất động sản rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Lực cũng thừa nhận trên thị trường còn nhiều 'điểm sáng' như dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các nước phát triển sang nước ta, điểm đặc biệt là lượng kiều hối chuyển về nước năm nay dự kiến khoảng 9 tỷ USD, đưa VN trở thành 1 trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh kinh tế nhiều mảng tối của năm 2012, TS Alan Phan - Chủ quỹ đầu tư Viasa cho rằng: 2012 là năm tuyệt vời nhất trên phương diện tìm kiếm cơ hội và kiếm tiền. Khi chu kỳ kinh tế biến đổi, biến động xấu hoặc hưng phấn là lúc “túi tiền” dễ bị thay đổi từ người này sang người khác. DN sẽ có nhiều cơ hội hơn để có những tài sản hợp lý hơn có những tư duy mạnh mẽ hơn, có những sáng tạo đột phá tốt đẹp hơn.  Về tài chính mọi nơi và mọi lúc đều có gập ghềnh trắc trở  nhưng thế giới không thiếu vốn, VN không thiếu vốn chỉ thiếu ý tưởng đặc thù, sản phẩm đặc thù, công nghệ đặc thù và quản trị chuyên nghiệp. Ông Alan Phan lấy ví dụ: Tôi có người bạn làm đại diện cho một quỹ đầu tư của Mỹ được cấp 100 triệu USD để đầu tư vào VN nhưng trong suốt 9 tháng qua ông ta không thể giải ngân được và đang đứng trước nguy cơ bị sa thải.

Tư duy “đánh đổi”

Theo các chuyên gia kinh tế cao cấp tại hội thảo, năm 2012 còn một điểm nhấn đặc biệt khác khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng. Nhiều quan điểm cho rằng, việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đó, trong điều kiện nguồn lực hạn chế và dư địa cho hành động chính sách của Chính phủ bị “thu hẹp”, rõ ràng là rất khó khăn. Vì vậy, không thể chậm hơn, cần quán triệt tư duy “đánh đổi” khi cân nhắc mức độ ưu tiên giữa mục tiêu ổn định, cải cách (tái cấu trúc) và mục tiêu tăng trưởng trên quan điểm lợi ích phát triển dài hạn (lợi ích chiến lược).

QH đã phê chuẩn nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế năm 2012 theo hai kịch bản tăng trưởng ở bảng trên (các con số trong ngoặc thuộc kịch bản 2)
 
Về cấp độ ưu tiên, thực tiễn nhiều năm cho thấy để đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay không thể không ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu. Nhưng để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây phải là hai mục tiêu – nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.

Một kịch bản hành động mạnh

Bình luận về kế hoạch năm 2012 đã được Quốc hội thông qua, trong đó 3 chỉ tiêu quan trong nhất là GDP (6 hoặc 6,5%) và CPI (dưới 10%), tổng đầu tư toàn xã hội giảm từ 39,8% xuống 33,5%, TS Thiên cho rằng, tuy đã “nén” các chỉ số, song các mục tiêu đề xuất trong kế hoạch, kể cả ở con số “ít lạc quan” cũng đều lạc quan hơn so với kết quả thực tế đạt được năm 2011. Đáng lưu ý là sự cải thiện mạnh mẽ một số chỉ tiêu chất lượng, đầu tư ít hơn nhưng tốc độ tăng trưởng cao hơn, bội chi ngân sách ít hơn.

Hơn nữa, đây là kịch bản mục tiêu “phấn đấu thông thường”, cơ bản giống như các năm khác. Với kịch bản này, dường như việc nhận diện tình thế và nhiệm vụ phải làm của năm 2012 không có gì khác biệt, chưa nói đặc biệt.

Thử đặt một vài câu hỏi cho kịch bản mục tiêu (so năm 2012 với 2011): Tổng đầu tư XH giảm mạnh – từ 39,8% GDP xuống 33,5-34% GDP; nhưng GDP tăng trưởng với tốc độ cao hơn (6-6,5% so 5,8% hiện nay)  như vậy là phải trông đợi vào tăng hiệu quả đầu tư. Nhưng phép màu tăng hiệu quả là ở đâu? Xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn nhiều (12% so 31%), nhưng thâm hụt thương mại lại ngang bằng năm 2011. Điều này có nghĩa là nhập khẩu tăng trưởng chậm hơn nhiều  cũng có nghĩa là “đầu vào” nhập khẩu tăng chậm. Điều đó sẽ tác động đến tăng trưởng GDP theo chiều hướng tiêu cực? Lạm phát thấp hơn nhưng tăng trưởng GDP cao hơn. Mức giảm lạm phát – xuống dưới 10% - đã đủ bảo đảm tái lập ổn định vĩ mô và giúp chặn xu hướng đóng cửa và phá sản của các DN chưa?

TS Thiên cho rằng, tình huống cấp bách thì phải có liệu pháp đặc biệt, theo nguyên lý “lấy độc trị độc”. Chúng ta cần một kịch bản hành động mạnh, rõ ràng, theo đúng tinh thần tái cơ cấu là nhiệm vụ chính của 2012, coi tái cơ cấu cũng là cách tiếp cận chủ đạo của kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi các cơ sở cho quá trình tăng trưởng mới. Giải pháp tái cơ cấu phải được coi là trục giải pháp chính của ổn định hóa và khôi phục tăng trưởng; các giải pháp chính sách tiền tệ là mang tính hỗ trợ. Tập trung vào các giải pháp chính sách tài khóa và cải cách DNNN.

 

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Nguồn vốn nước ngoài sẽ trở nên khan hiếm hơn

Giới nghiên cứu đã tiến gần tới sự đồng thuận về những khiếm khuyết nội tại, có tính cố hữu của nền kinh tế VN. Nếu như trước đây người ta thường tìm cách biện minh cho các điểm yếu đó thì bây giờ chúng đã được chấp nhận như những thực tế phải sửa đổi. Điểm yếu cơ bản nhất của kinh tế VN là tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên và trình độ gia công thấp nhờ vào tăng lượng đầu tư và lấy khu vực kinh tế nhà nước vốn kém hiệu quả làm chủ đạo.

Cần phải nhấn mạnh rằng, những trục trặc mang tính cơ cấu của nền kinh tế VN là kết quả của nhiều năm tích lũy và vì vậy không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Điều này có nghĩa là những khó khăn mà nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng hiện nay đang phải trải qua vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2012. Bên cạnh đó, tình trạng mong manh của nền kinh tế toàn cầu, trong đó nổi bật là nguy cơ khủng hoảng nợ công, một mặt khiến cho nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của VN giảm sút, mặt khác làm cho nguồn vốn nước ngoài, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế VN, trở nên khan hiếm hơn. Như vậy, bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế cũng chỉ về một hướng, đó là đối với cộng đồng DN cũng như Chính phủ, năm 2012 sẽ không dễ dàng hơn năm 2011.

Ông Cấn Văn Lực- Chuyên gia tài chính ngân hàng: Tránh nguy cơ dòng tiền chảy không đúng hướng

Năm 2012 nền kinh tế VN sẽ tiếp tục phải chịu tác động của những yếu tố bên ngoài như: xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng lớn do Mỹ và EU chiếm đến 31% kim ngạch xuất khẩu của VN và thương mại toàn cầu giảm. Bất ổn vẫn còn tăng nên giá vàng và giá dầu vẫn sẽ phải chịu tác động. Tuy vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) không ảnh hưởng nhiều nhưng cam kết ODA sẽ có xu hưởng giảm xuống còn 7,4 USD. Thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn, điều này tác động tới một phần thị trường chứng khoán và vốn đầu tư gián tiếp (FII) trong nước. Trước thực tế đó, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 phải làm sao để thị trường ổn định, có thể cung ứng đầy đủ vốn và tín dụng cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để giảm chi phí sản xuất tăng lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, phải rõ ràng trong các chỉ thị, thông tư hướng dẫn thi hành chính sách. Bên cạnh đó, cần phải triển khai tích cực công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, nghiêm khắc và kịp thời xử lý các trường vi phạm. Để hạn chế nguy cơ lạm cao phát xảy ra cho năm 2012, ngân hàng Trung ương cần quy định các chỉ tiêu và điều kiện cho DN vay vốn. Tuyệt đối không giải ngân một lúc toàn bộ vốn vay để tránh nguy cơ dòng tiền chảy không đúng hướng.

 

Tác giả: Phan Nam  // Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Các tin khác
Hotline: 1800 58 88 57 - 0913304123
Tổng đài hỗ trợ miễn phí
Hotline Hotline1800 58 88 57

Liên hệ mở đại lý
Mr Khải Ca Mr Khải Ca0913304123

Hỗ trợ kỹ thuật
Mr Long Tran Mr Long Tran0972193621