Cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2011, DĐDN đã liên tục đăng các bài viết về vấn nạn mũ bảo hiểm (MBH) giả, nhái, và biến tướng MBH. Tuy nhiên, các văn bản mới nhất của ngành chức năng mới chỉ bàn bạc và đề ra giải pháp chấn chỉnh, giải quyết… loại bỏ các loại MBH giả, nhái, mà chưa đả động đến các loại biến tướng MBH đang chiếm đến 80 - 90% tổng số MBH rởm trên thị trường.
|
Nhiều cửa hàng lớn vẫn bày bán biến tướng MBH |
Sau khi các DN sản xuất MBH liên tục kiến nghị về vấn nạn MBH, sau đó Thủ tướng Chính phủ có công văn số 1542/VPCP- KNTN ngày 15/3/2011 yêu cầu Bộ Công Thương trả lời cho VP Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị trên thì Bộ Công thương đã có Công văn số 3109/BCT - QLTT ngày 8/4/2011 kính gửi Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dường như CV 3109 đã trình bày với Thủ tướng những nội dung quá cũ như chỉ tập trung nêu thực trạng báo động của vấn nạn MBH giả, nhái, MBH không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn dán tem CR, tem CS, MBH giả mạo... CV 3109 đã kể các giải pháp mà Bộ CT đã thực hiện để chấn chỉnh tình trạng trên như ban hành nhiều CV về kiểm tra chất lượng MBH, tăng cường công tác thanh tra kiểm soát... nên năm 2008 đã thu giữ được hơn 67.000 MBH nhập lậu, giả, nhái; năm 2009 thu giữ hơn 20.700 cái và năm 2010 thu giữ hơn 18.000 cái... Trong khi loại biến tướng MBH theo các chuyên gia chiếm đến 90% các loại MBH rởm lại không được để cập trong CV này.
Được biết, Bộ KH& CN đang soạn dự thảo Thông tư quy định điều kiện đảm bảo chất lượng MBH cho người đi môtô, xe máy trong sản xuất kinh doanh. Dù dự thảo thông tư nêu trên đang còn nghiên cứu, xem xét và chưa công bố nhưng nội dung của dự thảo này chỉ tập trung siết chặt hơn nữa các DN sản xuất kinh doanh MBH chân chính, chấn chỉnh tình trạng MBH giả, nhập lậu, nhái... mà chưa thấy đề cập đến loại biến tướng MBH nêu trên. Cụ thể như DN sản xuất MBH phải đảm bảo hàng loạt điều kiện nghiêm ngặt từ trang bị cho đến kỹ thuật, nhân lực, tiêu chuẩn sản phẩm... Dự thảo thông tư cũng tăng cường siết chặt hệ thống phân phối, kinh doanh MBH như nơi bán MBH phải có giấy chứng nhận kinh doanh, có diện tích tối thiểu...
Đáng chú ý là Điều 12 của dự thảo thông tư nêu trên là quy định người kinh doanh MBH không được kinh doanh mũ đội đầu có kiểu dáng giống MBH (có thể hiểu là các biến tướng MBH) dễ gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Trao đổi với DĐDN, ông Lý Ngọc Thắng - Đội trưởng Đội QLTT 3A TP HCM cho rằng, vấn nạn MBH giả, nhái, nhập lậu là việc tuy khó nhưng ngành QLTT vẫn có thể làm được. Khó nhất vẫn là việc chấm dứt tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng các biến tướng MBH mà ông Thắng gọi là “mũ tào lao”. Bởi hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cho việc sản xuất các lọai mũ này, vì thế QLTT không thể xử phạt.
Theo ông Thắng, để xử lý tốt vấn nạn MBH, ngành chức năng cần phải tập hợp kiến nghị của DN, của QLTT, phối hợp liên ngành CT, KH& CN, công an để cùng thực hiện các giải pháp hiệu quả. Đồng thời, phải tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu rằng phải đội MBH đảm bảo chất lượng để bảo vệ mình. Trong đó, Hội bảo vệ người tiêu dùng, hội bảo vệ bà mẹ & trẻ em, ngành y tế, giáo dục... phải vào cuộc tuyên truyền về tác hại của vấn nạn này một cách hiệu quả hơn nữa.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)